Công ty bảo hiểm phá sản, quyền lợi của khách hàng có được đảm bảo?

Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là một kế hoạch tài chính dài hạn, khách hàng phải cam kết đóng phí trong khoảng thời gian 15 – 20 năm, còn doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải cam kết bảo vệ khách hàng trong chừng ấy thời gian hoặc trọn đời. Vì vậy, một số khách hàng sẽ có những băn khoăn, lo lắng về việc trong tương lai, nếu trường hợp xấu xảy ra, công ty bảo hiểm phá sản, quyền lợi của khách hàng liệu còn được đảm bảo?

Vậy khi xảy ra trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm có nguy cơ mất khả năng thanh toán dẫn đến phá sản, những biện pháp nào sẽ được áp dụng?

>>> Còn rất nhiều băn khoăn của người tham gia bảo hiểm:

I. Chuyển giao hợp đồng bảo hiểm sang doanh nghiệp bảo hiểm khác

Việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm sang môt doanh nghiệp bảo hiểm khác theo yêu cầu của Bộ tài chính là điều cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Chuyển giao hợp đồng bảo hiểm

Chúng ta hãy tìm hiểu vấn đề chuyển giao hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thông qua quy định tại Luật kinh doanh bảo hiểm:

Điều 74. Chuyển giao hợp đồng bảo hiểm

1. Việc chuyển giao toàn bộ hợp đồng bảo hiểm của một hoặc một số nghiệp vụ bảo hiểm giữa các doanh nghiệp bảo hiểm được thực hiện trong những trường hợp sau đây:

a) Doanh nghiệp bảo hiểm có nguy cơ mất khả năng thanh toán;

b) Doanh nghiệp bảo hiểm chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể;

c) Theo thoả thuận giữa các doanh nghiệp bảo hiểm.

2. Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm có nguy cơ mất khả năng thanh toán, giải thể mà không thoả thuận được việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm khác thì Bộ Tài chính chỉ định doanh nghiệp bảo hiểm nhận chuyển giao.”

Như vậy trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán, bị chia, tách, hợp nhất, sát nhập, giải thể thì bắt buộc cần thực hiện việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm giữa các doanh nghiệp BHNT theo thỏa thuận của các bên. Trường hợp các doanh nghiệp bảo hiểm không thỏa thuận được việc chuyển giao thì Bộ tài chính đứng ra can thiệp chỉ định hoạt động này.

Quyền lợi của khách hàng sau khi được chuyển giao hợp đồng bảo hiểm

“Điều 75. Điều kiện chuyển giao hợp đồng bảo hiểm

Việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm được thực hiện theo các điều kiện sau đây:

1. Doanh nghiệp bảo hiểm nhận chuyển giao đang kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm được chuyển giao;

2. Các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao không thay đổi cho đến khi hết thời hạn hợp đồng bảo hiểm;

3. Việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm phải kèm theo việc chuyển giao các quỹ và dự phòng nghiệp vụ liên quan đến toàn bộ hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao.”

Như vậy, việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm phải đảm bảo quyền lợi của khách hàng sẽ không bị thay đổi cho đến hết thời hạn hợp đồng bảo hiểm.

>>> Nhiều người đang nghĩ có tiền nên gửi ngân hàng cho yên tâm, nhưng thực tế có đúng như vậy? Đọc thêm bài viết: Để tiền ở Ngân hàng hay bảo hiểm nhân thọ an toàn hơn?

II. Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm được sử dụng trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm phá sản

Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phá sản hoặc mất khả năng thanh toán thì Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm sẽ được sử dụng để chi trả quyền lợi cho khách hàng. Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm là yêu cầu bắt buộc mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trích lập theo tỷ lệ phần trăm trên phí tham gia Bảo hiểm của Khách hàng.

Theo quy định tại điểm 1 Điều 107 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP của Chính phủ:

“Điều 107. Hạn mức chi trả của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm

1. Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, Quỹ chi trả tối đa 90% mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, nhưng không quá 200 triệu đồng/người được bảo hiểm/hợp đồng. Mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tương ứng với từng trường hợp được quy định như sau:

a) Đối với các hợp đồng đã xảy ra sự kiện bảo hiểm nhưng chưa được chi trả quyền lợi bảo hiểm, mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm là quyền lợi bảo hiểm được hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm;

b) Đối với các hợp đồng mang tính tiết kiệm, có giá trị hoàn lại và đang còn hiệu lực, mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm tương ứng với giá trị hoàn lại của hợp đồng tại thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán hoặc phá sản;

c) Đối với các hợp đồng chỉ mang tính bảo vệ, không có giá trị hoàn lại và đang còn hiệu lực, mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm tương ứng phần phí bảo hiểm đã đóng cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm;

d) Đối với các hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư đang còn hiệu lực, mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm tương ứng với giá trị tài khoản của khách hàng tại thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán hoặc phá sản;

đ) Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có nhiều người được bảo hiểm, hạn mức chi trả tối đa của Quỹ quy định tại điểm a, điểm b, điểm c và điểm d khoản 1 Điều này được áp dụng đối với từng người được bảo hiểm, trừ trường hợp giữa những người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thỏa thuận khác tại hợp đồng bảo hiểm.”

Như vậy, trường hợp xấu nhất khi doanh nghiệp bảo hiểm phá sản, hạn mức chi trả tối đa là 90% mức trách nhiệm của doanh nghiệp BH nhân thọ, nhưng không quá 200 triệu đồng/người được bảo hiểm/hợp đồng.

Lời kết:

Bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán đều là những ngành chủ chốt trong lĩnh vực tài chính có vai trò dẫn vốn cho sự hoạt động của nền kinh tế. Đây là một lĩnh vực nhạy cảm, mà một ảnh hưởng nhỏ có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường cho cả nền kinh tế vĩ mô. Vì vậy, nhà nước luôn luôn có những biện pháp kịp thời nhằm hạn chế tối thiểu những tổn thất có thể xảy ra.

Những biện pháp quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ được cụ thể hóa bằng quy định luật pháp phần nào giúp khách hàng yên tâm về quyền lợi của bản thân sẽ được đảm bảo trong dài hạn.

>>> Nếu vẫn còn lo lắng xin mời bạn đọc tiếp bài viết: Mua bảo hiểm nhân thọ có an toàn không? để nhìn nhận rõ hơn về vấn đề này.

Đức Hiền – Wikitaichinh.com

Hãy chia sẻ bài viết nếu bạn thấy hữu ích cho những người khác

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

1 Comment
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Huyền

Hay quá! Cảm ơn tác giả :))

1
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x